Những khoản lợi nhuận khổng lồ và tiềm năng của thị trường bất động sản – địa ốc – nhà đất tại Việt Nam luôn có sức thu hút, hấp dẫn với bất cứ ai muốn trở nên thịnh vượng, giàu có. Từ đó cũng không thiếu các chiêu trò lừa đảo muôn hình vạn trạng trong lĩnh vực này để trục lợi.
Công ty Địa ốc Đất Việt là một công ty có bề dày năm kinh nghiệm trong môi giới cũng như là chủ đầu tư một số dự án đã chứng kiến sự gia tăng của các hình thức lừa đảo trong lĩnh vực này. Địa ốc Đất Việt sẽ điểm qua một số hình thức lừa đảo được cho là phổ biến nhất hiện nay
Lừa đảo mua đất nông nghiệp được hứa lên được thổ cư
Trong nhiều trường hợp, người dân đang tìm kiếm mảnh đất để xây dựng tổ ấm cho gia đình để an cư thì bị người bán dụ dỗ chào bán thay vì là đất thổ cư thì lại là các loại đất trồng cây hoặc đất lúa (gọi chung là đất nông nghiệp) với giá cả cao hơn. Họ nhận được cam kết rằng việc công chứng chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất thổ cư sẽ được thực hiện trong vòng một thời gian nhất định kể từ khi ký hợp đồng mua bán.
Tuy nhiên, sau một thời gian kể từ khi người mua thanh toán tới 90% giá trị của mảnh đất theo hợp đồng giữa hai bên, công ty nhà đất vẫn chưa chuyển đổi được sang đất thổ cư, đồng thời việc xây dựng trên mảnh đất này không được chính quyền cấp phép. Chủ đầu tư thì đã biến mất, để lại người mua trong tình trạng phải thuê nhà trọ hàng tháng, muốn xây nhà cũng không được mà muốn bán cũng không xong. Theo Công ty Địa ốc Đất Việt thì đây là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến nhất diễn ra trong thời gian qua tại các tỉnh vùng ven TP.HCM như Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu.
Lừa đảo thông qua giao dịch bằng vi bằng
Việc mua bán nhà đất thông qua vi bằng là một hiện tượng đang nở rộ trong khoảng 5 năm trở lại đây và cũng là nơi tồn tại rất nhiều các nguy cơ tiềm ẩn về rủi ro. Cách thức này thường được những kẻ gian sử dụng để lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về quy trình lập vi bằng. Họ thường đưa ra những mảnh đất không đủ pháp lý hoặc không được phân lô hợp pháp, sau đó ký hợp đồng mua bán bằng giấy viết tay, cam kết rằng đất đã được cơ quan thừa phát cấp vi bằng. Tuy nhiên, điều này thực ra mang lại nhiều rủi ro và người mua có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của lừa đảo hoặc bị chiếm dụng vốn trong một thời gian.
Đáng chú ý, công ty Địa ốc Đất Việt chia sẻ rõ rằng vi bằng không phải là một loại hợp đồng hay giao dịch mua bán, mà chỉ là một tài liệu được cơ quan thừa phát lại lập ra để ghi chép lại. lưu giữ lại các sự kiện và hành vi, thường được sử dụng làm bằng chứng trong các vụ án và trong quan hệ giao dịch dân sự, nhưng hoàn toàn không có giá trị pháp lý trong việc mua bán nhà đất.
Một bất động sản nhưng bán cho nhiều người
Bán cùng một ngôi nhà cho nhiều người, mặc dù là một phương thức đơn giản nhưng lại có thể dễ dàng đánh lừa người dân nếu họ không cẩn trọng. Để thu hút sự tin tưởng của người mua, những kẻ lừa đảo này thường đăng tin rao bán nhà đất với mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường và những lô đất xung quanh, đính kèm là hình ảnh sổ sách giấy tờ đầy đủ.
Khi đã thu hút được khách hàng, những cá nhân này sẽ sử dụng nhiều lý do cụ thể để thuyết phục bạn đặt cọc tiền sớm và chỉ đặt cọc bằng giấy viết tay. Qua cách này, họ tiếp tục thu tiền từ nhiều người khác với số tiền lớn. Một lời khuyên của Công ty Địa ốc Đất Việt là trước khi xuống tiền cọc nhà đầu tư có thể thực hiện bước đơn giản là ký hợp đồng đặt cọc tại văn phòng công chứng để tránh những rủi ro đáng tiếc.
Lừa đảo bán nhà đất bằng giấy tờ pháp lý giả, giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và các tài sản trên đất giả
Việc này tuy không thường xuyên diễn ra nhưng hậu quả để lại thường rất lớn. Việc sử dụng sổ giả hoặc giấy tờ giả trong giao dịch mua bán địa ốc nhằm lừa đảo có thể ảnh hưởng đến cả hai bên, cả người mua và người bán. Đối với người bán, các kẻ lừa đảo thường sẽ giả vờ là người mua nhà đất và đề nghị được xem sổ, sau đó thu thập thông tin từ sổ để tạo ra một cuốn sổ đỏ giả giống y hệt. Sau đó, trong các cuộc gặp tiếp theo, chúng sẽ lợi dụng khi nạn nhân không để ý thay thế cuốn sổ thật bằng sổ giả.
Với người mua, kẻ lừa đảo có thể giả vờ là chủ sở hữu đất hoặc người được ủy quyền đồng thời tạo ra nhiều hồ sơ và giấy tờ sổ đỏ giả để bán cùng một bất động sản, địa ốc cho nhiều người khác nhau.
Tạo sốt ảo, lợi dụng tâm lý đám đông
Chiêu này được sử dụng phổ biến ở các công ty bán dự án. Các trường hợp như Địa ốc Alibaba, Vạn Phúc, Hoàng Kim Land, Eagle Land đã làm cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người đổ tiền vào các dự án không tồn tại. Các kẻ gian thường sử dụng các biện pháp như tổ chức sự kiện thực địa để khách hàng đến xem đất, sau đó “bày binh bố trận” để tạo ra một cảnh tượng sôi nổi, khiến người người cùng nhau tranh mua, ký hợp đồng và thanh toán tiền trước mặt, nhằm tạo cảm giác “nóng” cho dự án.
Mọi việc thường bắt đầu bằng cuộc gọi từ môi giới, mời khách hàng đến xem “nền đất” tại một địa điểm nhất định. Các dự án này thường được trình bày tô vẽ trên giấy với hình ảnh rất hấp dẫn, pháp lý đầy đủ và vị trí tưởng chừng đắc địa, giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thị trường, dẫn đến sự tham gia của nhiều người bị mắc kẹt trong cạm bẫy này.
Sử dụng quân xanh, quân đỏ đóng vai người mua để đẩy giá lên cao
Địa ốc Đất Việt có thể lấy ví dụ về một tình huống như sau để khách hàng dễ tưởng tượng: Khi người dân đang cân nhắc về việc mua một lô đất hoặc căn nhà, nhưng họ lại băn khoăn vì mức giá quá cao, một tình huống thường gặp là có một người tự xưng là một người cũng có nhu cầu mua xuất hiện. Người này đề nghị được mua lô đất hoặc căn nhà với mức giá cao hơn đáng kể, nhằm tạo sự tin tưởng, họ thậm chí đặt cọc một khoản tiền cho bạn.
Vì hi vọng kiếm được một khoản chênh lệch, bạn sẽ đặt tiền để mua lô đất hoặc căn nhà mà không dành thời gian suy nghĩ kỹ. Tuy nhiên, cuối cùng, bạn lại trở thành nạn nhân của một âm mưu lừa đảo do “đại gia” rởm và người bán phối hợp để thực hiện. Bạn bị vào thế phải mua lô đất với giá cao hơn nhiều so với thị trường còn vị khách kia thì không liên lạc được nữa.
Mua phải nhà đất đang bị kê biên
Đây là một tình huống mà Công ty Địa ốc Đất Việt cho rằng khá đáng chú ý, khi người dân quyết định mua một căn nhà với giá hời mà không biết là căn nhà này đang bị kê biên để thi hành án. Trong khoảng thời gian từ khi tòa tuyên án đến khi án được thực thi, những người này thường nỗ lực bán thật nhanh căn nhà với giá hấp dẫn hoặc giá rẻ mạt để lấy tiền càng sớm càng tốt. Nạn nhân bị lừa đảo thường phải đối diện với nguy cơ mất trắng số tiền đã bỏ ra trong khi không thể nhận được căn nhà này.
Lừa đảo bán dự án chưa có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng
Theo quy định của Điều 56 trong Luật Kinh doanh bất động sản, nguyên tắc rõ ràng rằng trước khi chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bắt đầu mở bán hoặc cho thuê mua nhà ở trong tương lai, họ phải được một ngân hàng thương mại có đủ khả năng tài chính để bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng. Điều này đặc biệt quan trọng khi chủ đầu tư không thể hoàn thành dự án và giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết với khách hàng hoặc phòng khi chủ đầu tư lừa đảo, bán dự án ma.
Tại khoản 2 của Điều 56 “Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi bản sao hợp đồng bảo lãnh cho bên mua, bên thuê mua khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua.”
Tuy nhiên, nhiều khách hàng khi mua căn hộ chung cư hoặc tài sản hình thành trong tương lai thường bỏ qua việc xem xét giấy tờ này và không hiểu rõ được lợi ích mà nó mang lại.
Khoản 3 điều 56 đã quy định rõ: Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu thì bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.
Mạo danh chủ đầu tư uy tín lừa bán đất
Đây là một thủ đoạn không phải là hiếm trên thị trường bất động sản mà công ty Địa ốc Đất Việt cần nhắn nhủ với khách hàng. Đã có nhiều chủ đầu tư uy tín phải lên tiếng về tình trạng bị mạo danh. Các chủ đầu tư này cũng đã tố cáo nhiều cá nhân và tổ chức tạo ra các trang web giả mạo, quảng cáo với giá rẻ hơn giá chủ đầu tư đưa ra để thực hiện hành vi lừa đảo khách hàng nhằm chiếm đoạt tiền giữ chỗ và tiền đặt cọc. Chỉ tới khi khách hàng ký hợp đồng mua bán chính thức với chủ đầu tư thì mới phát hiện ra. Mặc dù sau đó nhiều công ty lừa đảo như trên đã bị bắt giữ nhưng hiện tượng trên vẫn còn tồn tại.
Hoàng Trung